Con Gái Rượu & Rượu Bách Nhật

Trên khắp thế giới, mỗi địa danh mỗi đất nước đều có những niềm tự hào riêng và rượu là một trong số đó. Rượu được ví như Quốc hồn – Quốc tuý – bảo vật quốc gia.
Nhưng chỉ có ở Việt Nam – rượu được ví với những người thương yêu nhất. Bất cứ ông bố nào cũng có thể tự hào thốt lên: Con gái rượu của tôi đấy, và những bà mẹ luôn chìu mến nói: Con gái chấy rận của tôi đây.
Nếu như Con gái chấy rận: Là cụm từ miêu tả chuyện xưa, sự thân thiết yêu thương của mẹ và con gái. Hình ảnh hai mẹ con ngồi bên hiên nhà đầy nắng, chải tóc và thủ thỉ những câu chuyện mà Bà ngoại đã kể cho mẹ nghe, đôi bàn tay của mẹ khẽ khàng nhặt từng mảnh bồ kếp, từng cánh hoa mần trầu còn sót lại trên đầu cô gái thơ ngây đem lại thật nhiều cảm xúc.



Thì khái niệm Con Gái Rượu lại là cả một câu chuyện, một phong tục của người dân Kinh Bắc xưa. Truyện kể rằng: Với những nhà khá giả, có của ăn của để, khi sinh hạ được con gái đầu lòng đều được coi là có phúc lớn, đều phải dọn cỗ khao làng: Ruộng sâu Trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Qua kỳ sài đẹn (3 tuổi) người cha sẽ mua hai chiếc chum sành, loại chum to 50 lít, phủ ít nhất ba lớp men, ngâm đủ 100 lít rượu nếp thơm ngon nhất mà điều kiện kinh tế cho phép. Những chiếc chum này sẽ được chôn xuống đất (Hạ thổ) ở Hiên sau của nhà. Cách Hạ thổ mới là điều đáng nói: Chum rượu phải được chôn “bán Nội – bán Ngoại”, tức là một nửa chum phải nằm trong giọt gianh nhà và nửa còn lại nằm bên ngoài, Chum được hạ thổ “Bán Âm – bán Dương” tức là một nửa dưới đất và một nửa lộ thiên. Theo như tích kể lại: Điều đó giúp cho rượu được cân bằng âm dương, hấp thu sinh khí của thiên địa, hấp thu sự nồng ấm của Nhà và của tự nhiên.



Rượu chỉ được đào lên sử dụng vào ngày Đại Hỷ của người con gái. Đó là ngày đón dâu. Đích thân người cha sẽ đào 2 chum rượu lên đem ra thiết đãi quan viên hai họ.
Chính vì tình cảm dành cho người con gái và sự cầu kỳ trong việc ngâm ủ rượu nên mô hình chung đã hình thành lên câu Con Gái Rượu từ đó.
Sau ngày cưới, theo phong tục Việt Nam xưa: Người con Rể sẽ mang theo một đôi gà đủ cả trống và mái, kèm theo 9 miếng Trầu têm cánh phượng, 9 cân gạo nếp cái hoa vàng đến kính lễ Bố Mẹ vợ, dây gọi là lễ Lại Mặt. Thường lễ Lại Mặt diễn ra vào Chính Ngọ ( 12h trưa, theo truyền thuyết thời gian này được cho là thời gian mà Quan Binh đi tuần, Quỷ Thần chứng giám) là dịp để bố vợ dặn dò con Rể việc kính hiếu hai bên, còn Mẹ vợ sẽ dặn dò lại cho người con gái việc Kính lễ vợ chồng: Vợ chồng tương kính như tân. Sau lễ Lại Mặt, chiều tối là lúc người mẹ sẽ đem 9 cân gạo nếp của người con rể ra đãi sạch và đồ xôi, ủ rượu bằng men thuốc bắc và các công đoạn phức tạp khác để tạo ra loại rượu quý vô cùng bổ dưỡng cho sức khoẻ được gọi là rượu Bách Nhật.
Khái niệm rượu Bách Nhật cũng có nhiều cách hiểu, mỗi vùng miền, mỗi quan niệm dân gian đều có một cách lý giải khác nhau. Song, công thức cổ truyền thì chỉ có một, xuất phát từ vùng Kinh Bắc xưa.

Gạo nếp được đồ thành xôi và phải cực kỳ tỷ mẩn, khéo léo, vì với số lượng 9 kg gạo không phải ai cũng có thể cho ra mẻ xôi nếp chín đều và thơm ngon được. Chỉ cần sống 1 chút, khê một chút hay bén nồi 1 chút thì cả mẻ rượu cũng hỏng theo. Xôi nhão sẽ cho nhiều rượu nhưng vị nhạt và chua, xôi khô quá sẽ không ngấu men, cho ít rượu và rượu có vị sượng. Chỉ có sự tỷ mẩn của tình thương và sự ân cần của mẹ dành cho con gái mới đủ để làm lên mẻ xôi rượu ngon.
Xôi được ủ với men thuốc bắc trong 10 ngày rồi mới cho vào chum sành Hạ Thổ 30 ngày gọi là lấy Âm, Sau 30 ngày sẽ được đào lên, lúc này xôi đã ngấu và tiết ra rượu. Người mẹ sẽ lấy tấm vải xô bọc toàn bộ chỗ xôi đó lại và vắt kiệt. Thứ nước vàng đục tiết ra đó được gọi là rượu “Trầm Mễ” hoặc rượu Nếp Vắt chứ chưa được gọi là rượu Bách Nhật. Sau khi vắt kiệt toàn bộ nước rượu, người mẹ sẽ tiếp tục giai đoạn Lấy Dương: Rượu sẽ được đổ lại vào trong chum, hàn kín miệng để lộ thiên nơi hiên nhà râm mát, không để nắng chiếu trực tiếp. Quá trình này diễn ra trong 60 ngày. Bã rượu vắt ra thường được trộn thêm đường đem chia cho trẻ con ăn. Tương truyền là để lấy may, lấy lộc cho con cháu nhưng thực ra đây là một loại thực phẩm bổ dưỡng và có tác dụng tẩy giun sán.
Quá trình ngâm ủ chế biến, lấy khí Âm, lấy khí Dương trải qua đủ 100 ngày, nước sẽ bốc hơi bớt, rượu trong chum sẽ chuyển sang màu vàng óng và sánh như mật, thơm nức mùi hương nếp, lớp tinh bột đã được lắng xuống đáy chum, lúc này mới chính thức được gọi là Rượu Bách Nhật.
Bách Nhật tức 100 ngày – Rượu Bách Nhật tức rượu 100 ngày. Thông thường theo lệ xưa, sau đêm Tân Hôn - Lễ Hợp Cẩn người phụ nữ sẽ được thụ thai và sau 100 ngày là vào giai đoạn đầu tiên của thai kỳ, người phụ nữ sẽ có triệu chứng ốm nghén. Khó ăn khó ở, cơ thể suy nhược, máu huyết khó thông. Lúc đó người mẹ vợ sẽ chắt phần rượu trong màu vàng óng từ chum sang vò nhỏ, vì qua nhiều ngày ngâm ủ và nhiều công đoạn nên rượu sẽ bị bay hơi và hao hụt, 9 cân gạo nếp nhiều lắm cũng chỉ cho ra được 2 lít rượu đã là rất nhiều.
Người mẹ sẽ bỏ thêm đường rồi đưa sang cho người con gái dùng, mỗi ngày 3 chén chia ba bữa để bồi bổ cho bản thân. Rượu Bách Nhật vừa là rượu vừa là thuốc, giúp cân bằng khí huyết, tăng cường sinh lực, giúp ăn ngon, tiêu hoá tốt, tăng cường trao đổi chất và rất nhiều dược dụng khác vô cùng có lợi cho người phụ nữ ở đầu thai kỳ và sau khi sinh con.


Rượu Bách Nhật tượng trưng cho sự chăm nom săn sóc của người mẹ đối với con gái. Cũng chính từ điều đó mà ngày nay ở các vùng nông thôn mọi người vẫn thường tự ngâm ủ lấy một vò rượu Bách Nhật để đem tặng cho nhau trong các dịp lễ tết, hiếu hỷ tượng trưng cho tình cảm, chăm lo đến sức khoẻ của nhau như người trong gia đình. Đó chính là điều cao quý nhất mà người dân Việt dành cho nhau.


Tiếp bước ông cha: “Tiếp thu tinh hoa – Phát huy giá trị” đã trở thành tôn chỉ sống và hành động của mọi thành viên trong gia đình Fansi. Với mong muốn tiếp thu và phát triển tinh hoa dân tộc, lưu truyền văn hoá Việt cho đến mai sau, Fansi đã đang và sẽ luôn cố gắng để tạo ra các sản phẩm rượu truyền thống – an toàn – và tốt cho sức khoẻ. Sản phẩm Việt vì sức khoẻ Việt.